KHÁI QUÁT VỀ XÃ TAM HƯNG

11/07/2024 17:12

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, địa bàn Tam Hưng gồm 8 xã ( còn gọi là các làng ) được phân bố trong 4 tổng của hai huyện Thanh Oai và Thanh Trì. Tê Quả thuộc tổng Bình Đà; Lê Dương, Hưng Giáo, Đại Định thuộc tổng Đại Định; Bùi Xá thuộc tổng Hà Liễu; Bối Khê, Phúc Khê, Văn Khê thuộc tổng Bối Khê. Sau CM tháng 8 năm 1945 cơ cấu hành chính cấp tổng bị thủ tiêu. Tại mỗi làng hình thành một bộ máy chính quyền lâm thời dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của huyện. Bối Khê và Phúc Khê thành lập chung một bộ máy chính quyền cơ sở và hợp nhất mang tên Song Khê. Năm 1946 ttrong cuộc bầu cử HĐND xã lần thứ nhất, 7 làng được tổ chức thành hai xã Đại Hưng và Tam Khê ( Xã Đại Hưng gồm các thôn Tê Quả, Đại Định, Hưng Giáo và Lê Dương; Xã Tam Khê gồm các thôn Song Khê, Văn Khê và Bùi Xá)

Trụ sở Đảng ủy – HĐND – UBND xã Tam Hưng

Năm 1948, Đại Hưng và Tam Khê được sáp nhập thành xã Tam Hưng. Năm 1955, Tam Hưng lại được tách thành hai xã giống như năm 1946. Đến năm 1960, trước nhu cầu phát triển trong tình hình mới, hai xã lại tái sáp nhập thành xã Tam Hưng cho đến ngày nay.

Trải qua hàng nghìn năm nhân dân Tam Hưng đã hun đúc nhiều truyền thống quý báu. Đó là truyền thống đoàn kết làng xóm láng giềng, dòng họ; Đó là truyền thống dũng cảm trong chiến đấu, cần cù thông minh trong lao động sản xuất. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cán bộ và nhân dân Tam Hưng đã kiên cường bám đất, bám dân, rào làng kháng chiến trở thành một điển hình tiêu biểu lúc bấy giờ, được Đảng và nhà nước tặng 4 chữ vàng “Tam Hưng anh dũng”. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ quân dân Tam Hưng đã lao động vừa sản xuất vừa chiến đấu làm tất cả những gì để đóng góp vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Và được ghi nhận bằng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng bộ và nhân dân Tam Hưng đã được nhà nước tặng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Ba; 17 Huân chương Độc lập, 174 Huân chương chiến công và 106 Bằng khen của chính phủ.

Tam Hưng là mảnh đất có truyền thống hiếu học với một số lượng lớn các vị khoa bảng như: Trạng nguyên Nguyễn Trực đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ khi mới 26 tuổi, khoa thi nhâm tuất 1442 đời vua Lê Thánh Tông. Ông là trạng nguyên đầu tiên của triều Lê và đứng đầu trong Bia tiến sĩ ở Văn Miếu. Là 1 trong 4 vị Lưỡng quốc trạng nguyên của Việt Nam.

Bảng nhãn Bùi Mộ đỗ năm Giáp Thìn 1304 đời vua Trần Anh Tông; Hoàng giáp Hoàng Bá Dương đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu 1481 đời vua Lê Thánh Tông; Tiến sĩ Nguyễn Quýnh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất 1478; Tiến sĩ Nguyễn Chí Khanh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu 1493 đời vua Lê Thánh Tông; Tiến sĩ Lê Dực đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất 1502; Tiến sĩ Tạ Đình Dương đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn 1604; Tiến sĩ Tạ Đình Hoán đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thân 1752; Hoàng giáp Lê Huy Trâm làm quan đến chức Hàn lâm viện thị độc, đến đời vua Gia Long được bổ chức Học sĩ, Đốc đồng xứ Kinh Bắc; Tiến sĩ Lê Vĩnh Diện đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn 1892.

Truyền thống hiếu học vẫn tiếp tục được kế thừa phát triển cho đến ngày nay. Tam Hưng vẫn là địa phương có tỉ lệ lớn con em thi đỗ cao đẳng, đại học, nhiều người đã trở thành thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang ... phục vụ ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc, làm vẻ vang thêm truyền thống quê hương.

Trên mảnh đất Tam Hưng còn lưu giữ nhiều truyền thống giá trị văn hóa với nhiều di tích lịch sử lâu đời tiêu biểu như Chùa Bối Khê, Đình Kim, Đình Lê Dương; Nhà thờ Trạng Nguyên Nguyễn Trực,...