Được Huyện ủy - Ủy ban kháng chiến hành chính huyện phổ biến tài liệu “Đường hầm tân ký sát”, cán bộ và nhân dân Tam Hưng vận dụng vào thực tiễn của địa bàn và vị trí của các làng để xây dựng làng kháng chiến. Có lực lượng dân quân du kích làm nòng cốt, nhân dân Tam Hưng đã lợi dụng những bờ tường đất cao ven làng, trên có các lũy tre, rặng cây, bụi gai, mây và nhiều đoạn bám liền với đồng ruộng để rào làng, làm cổng ra vào, kết hợp với đào giao thông hào, hầm chiến đấu. Dưới lòng đất, quân dân du kích đào giao thông hầm, có đoạn nối làng nọ với làng kia. Hệ thống hầm hào, chiến lũy, giao thông hầm dưới lòng đất đào hết sức công phu, kiên cố, tất cả đều có khả năng hỗ trợ cho nhau.
Hệ thống đường hầm nằm sâu dưới lòng đất, rộng từ 1 - 1,2m, cao từ 1,5 - 2m. Toàn xã Tam Hưng đã xây dựng được hệ thống giao thông hào bao quanh làng với 7.884m, đường hầm liên hoàn chiến đấu dài 4.872m, đường giao thông hào xung quanh các làng 8.126m.
Hệ thống các đường hầm:
+ Đại Định có 2 đường hầm: Đường thứ nhất ở xóm Ngoài dài 500m, chạy từ nhà ông Đạt đến nhà ông Đó, chia làm 3 ngách; Đường thứ hai ở xóm Trong với chiều dài 600m, kéo dài từ nhà Tây (nhà ông Bê hiện nay) đến ao nhà ông Dúng, có một cửa chạy vào chùa, 1 ngách chạy ra lũy tre ao Sào, có cửa ra đồng; 1 ngách ra buồng nhà ông Phương. Ngoài ra, đường hầm ở Đại Định có một ngách thông ra sông Đỗ Động.
+ Song Khê có 4 đường hầm: Đường thứ nhất dài khoảng 160m, bắt đầu từ cổng đình, chạy dọc theo lũy vào nhà ông Nguyễn Văn Lạc nối tiếp với các đường hầm ra khu vực đền Đống. Đường thứ hai dài 220m, bắt đầu từ cổng nhà bà Khúc (thuộc khu vực xóm Dền), chạy sang xóm Giữa, kéo dài đến xóm 3. Đường thứ ba có 3 ngách, ngách cửa chính ở nhà ông Bùi Văn Uyên, một ngách chạy theo đường lũy, một ngách dẫn đến nhà thờ Nguyễn Trực, một ngách vào điện Phật kéo dài đến nhà ông Lê Huy Bảo. Riêng hầm này còn có phương án bất ngờ tiêu diệt địch nếu chúng đóng quân tại chùa Bối Khê, tổng chiều dài của hầm là 320m. Đường thứ tư, dài 450m, bắt đầu từ nhà đồng chí Trần Vĩnh Dụ, xuyên qua đường, chạy qua ngõ Trạ, kéo đến Kỳ cắt sang ngõ Dinh. Hầm này có rất nhiều ngách được bố trí giống như hình xương cá.
+ Hưng Giáo có 2 đường hầm: Đường thứ nhất dài 320m bắt đầu từ nhà ông Lê Đình Tơ, sau đó chia ra thành nhiều ngách lắt léo hình chữ chi, qua các ngõ xóm đến nhà ông Phán Luân rồi chạy tiếp tới khu lũy nhà ông Bùi Thái, đến nhà ông Đội Tầm, nhà bà Tư Dự rồi kết thúc ở nhà ông Lê Đình Điển. Đường hầm này có rất nhiều cửa lớn, nhỏ với mục đích tiện triển khai đánh địch trong không gian hẹp. Đường thứ hai nằm tại khu ngõ Ngoài, từ nhà cụ Lê Cương Đồng có độ dài hơn 200m chạy đến nhà cụ Lý Túc, sau đó ra sau vườn nhà cụ Lý Ớt. Đường hầm này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trú quân khi có chiến sự xảy ra.
+ Tê Quả có 1 đường hầm: Chạy từ nhà ông Nguyễn Kim Thặng men theo các bờ ao, lũy tre, với tổng chiều dài khoảng 210m.
+ Lê Dương có 3 đường hầm: Với tổng chiều dài 764m. Đường thứ nhất: Bắt đầu từ nhà ông Tư Do kéo dài đến cổng Ghè. Đường thứ hai: Bắt đầu từ nhà thờ họ Vương vào xóm giữa. Đường thứ ba: Bắt đầu từ nhà thờ họ Tào vào xóm cuối.
+ Văn Khê có 3 đường hầm: Đường thứ nhất chạy từ nhà ông Tung sang nhà ông Tuy, dài 160m. Đường thứ hai từ nhà cụ Úc đến nhà bà Mẩu dài 140m. Đường thứ ba tại gian gác nhà cụ Khoang sang nhà ông tổng Viết, ra đình dài 160m.
+ Bùi Xá có 2 đường hầm: Đường thứ nhất chạy dọc theo lũy nhà ông Đàm Văn Các, với tổng chiều dài là 40m; đường hầm thứ hai từ nhà ông Tuệ đến ao Lộc, dài khoảng 80m.
Làng kháng chiến Tam Hưng đã trở thành mẫu mực ở đồng bằng Bắc bộ. Hiệu quả kháng chiến ở đây trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chỉ riêng năm 1948 địch đã mở 72 trận càn quét lớn nhỏ vào các làng chiến đấu. Những trận chống càn lớn như ngày 01/4/1948 ở Tê Quả, ngày 06/5/1948 ở Đại Định, ngày 02/6/1948 ở Song Khê, ngày 13/8/1948, 13/12/1948 ở Hưng Giáo và Lê Dương… thắng lợi giòn giã, 72 tên địch bị tiêu diệt và hàng chục tên khác bị thương.
Làng kháng chiến Tam Hưng được Tỉnh ủy - Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến cho các địa phương học tập, vận dụng. Năm 1948, Liên khu ủy III và một số địa phương về Tam Hưng thăm, xem xét học hỏi kinh nghiệm xây dựng làng kháng chiến. Làng kháng chiến Tam Hưng đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân trong huyện.
HÌNH ẢNH TƯ LIỆU
Lễ nhận cờ thưởng của Mặt trận Liên Việt tặng “ Tam Hưng Anh Dũng” năm 1948
Nhân dân xã Tam Hưng tổ chức rào làng chống địch càn quét
Du kích Tam Hưng luyện tập sẵn sàng đánh giặc Pháp càn quét
Đội du kích Tam Hưng
Nhân dân Tam Hưng bảo vệ cán bộ (đưa cán bộ xuống hầm bí mật) trong những ngày giặc Pháp càn quét
Đón nhận đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 22 tháng 12 năm 1995
Phi công lái máy bay F4B Anderson bị quân và dân Tam Hưng bắt sống ngày 19/5/1967
Xác máy bay F4B của giặc Mỹ bị quân dân ta bắn rơi xuống thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng ngày 19/5/1967