Cuối năm 1947, tình hình chiến sự ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ giữa ta và địch diễn ra ác liệt hơn. Trên địa bàn tỉnh Hà Đông, sau khi đánh chiếm thị xã (3/1947), thực dân Pháp đã kiểm soát phần lớn các làng ven sông Nhuệ, ở phía bắc đường 71 và chiếm đóng một số vị trí trên đường số 6 và đường 22. Yêu cầu đặt ra lúc này cho Huyện ủy Liên Nam là tổ chức lại một số đơn vị hành chính địa phương để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong điều hành kháng chiến. Xã Tam Hưng ra đời do sự sáp nhập của 2 xã Đại Hưng và Tam Khê.
Cây di sản Việt Nam - Cây đa ba rễ nơi đặt hòm thư bí mật
của cán bộ huyện, xã trong kháng chiến chống thực dân Pháp
Xét về vị trí, Tam Hưng có đường 71 từ Bình Đà đi Thường Tín; về lực lượng, nơi đây là mảnh đất vốn có truyền thống cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, lực lượng chính trị mạnh, làng chiến đầu được củng cố tốt. Là địa khu an toàn của một số cơ quan Trung ương, của tỉnh Hà Đông, là khu vực trên đường rút lui của quân chủ lực, địa bàn có tác động lớn đến cục diện chiến trường, Tam Hưng trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Bảo vệ Tam Hưng trở thành nhiệm vụ có tầm quan trọng đặt biệt nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực thọc sâu vào vùng sau lưng địch. Huyện ủy Liên Nam xác định, muốn giữ vũng được phong trào cách mạng ở Tam Hưng thì phải xây dựng làng kháng chiến, khu du kích kiên cố. Ngày 20/8/1948, Đại hội chi bộ xã Tam Hưng đã đề ra chủ trương “thành lập xã đội với sự chỉ đạo thống nhất, tăng cường lực lượng dân quân du kích, củng cố làng chiến đấu,... kết hợp giữa huấn luyện du kích với đưa đi chiến đấu thực tế". Thực hiện nghị quyết Đại hội, công tác xây dựng lực lượng vũ trang được đặc biệt quan tâm.
Du kích xã Tam Hưng tổ chức rào làng chống địch càn quét
Đội du kích tập trung của xã với số lượng là 60 đội viên được biên chế theo từng tiểu đội. Mỗi thôn có một trung đội dân quân với số lượng không hạn chế, có thôn lên đến 50 người. Thôn Hưng Giáo còn xây dựng được tiểu đội nữ du kích. Công tác rào làng kháng chiến được đẩy mạnh. Lợi dụng các lũy tre xung quanh các thôn, nhân dân tiến hành chặt tre đóng cọc, níu kéo cây và dong tre buộc chặt lấy nhau trở thành hàng rào dày đặc vững chắc. Hàng rào kín mít, mỗi làng chỉ để 2 hoặc 3 cổng chống vào làng. Các cổng này có vọng gác, ban ngày chống lên cho nhân dân đi lại, ban đêm sập xuống, gài mìn để ngăn chặn địch tập kích vào làng. Phía trong hàng rào là hệ thống giao thông hầm, hào kiên cố chằng chịt. Các đường hầm địa đạo nằm ngầm sâu dưới lòng đất, với độ dài hàng nghìn mét, rộng từ 1 đến 1,2m, cao từ 1,5 đến 2m, một số thôn được nối với nhau bằng đường hầm liên hoàn. Mỗi đường hầm đều có ngách thông ra bên ngoài đảm bảo khi tác chiến vừa dễ công, vừa dễ thủ, từng đoạn có cửa ngăn khói đề phòng địch phát hiện và hun hầm. Toàn xã đã xây dựng được hệ thống giao thông hào bao quanh các làng với 7.884m, đường hầm liên hoàn chiến đấu dài 4.872m, đường giao thông hào xung quanh các làng 8.126m. Ngoài ra, các gia đình còn đào hằm tránh phi pháo, hầm cất giấu thóc lúa và bảo vệ trâu bò. Các cán bộ, đảng viên và du kích đến có hầm bí mật. Hệ thống hầm hào này được bố trị ở tất cả các thôn trên địa bàn xã, trở thành xã điển hình sáng tạo xây dựng làng kháng chiến kiểu mẫu được phổ biến kinh nghiệm cho nhiều xã trong huyện và nhiều nơi trong tỉnh.
Du kích Tam Hưng luyện tập sẵn sàng đánh giặc Pháp càn quét
Chỉ trong một thời gian ngắn từ đầu năm 1948 đến tháng 01/1950, hiệu quả chiến đấu của làng kháng chiến Tam Hưng đã được phát huy, đánh lui nhiều trận càn của địch. Chỉ riêng năm 1948, địch đã mở tới 82 trận càn quét hòng phá vỡ thế trận kháng chiến, xóa hệ thống hầm hào bí mật và cơ sở cách mạng của ta, gây cho Tam Hưng những tổn thất không nhỏ. Quân và dân Tam Hưng đã chiến đấu anh dũng, 72 tên địch đã bị tiêu diệt, hàng chục tên khác bị thương, Mỗi đảng viên, mỗi người dân đều kiên trì bám từng căn nhà, giặc đến là đánh, giặc đi lại cũng có hậu phương. Không chịu từ bỏ ý định, Pháp tăng cường lực lượng cùng với xe tăng, máy bay, hỏa lực nhằm xóa sổ các khu du kích của ta. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, làng kháng chiến Tam Hưng lớn mạnh dần lên trong thực tiễn chiến đấu. Bộ đội và du kích đã nhận được sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân Tam Hưng. Ngày 01/4/1949, địch huy động 1 đại đội lính Âu – Phi và 1 trung đội địa phương quân đóng tại Thạch Bích, có sự yểm trợ của xe tăng và phi pháo, chia quân làm 3 mũi tấn công làng Tê Quả. Với tinh thần cảnh giác cao độ, quân dân Tê Quả đã hạ gục 2 tên lính Âu – Phi, 5 lần xung phong của địch đều bị bẻ gây. Phải đến gần trưa, nhờ lực lượng đông, hỏa lực mạnh địch mới tiến vào được làng. Du kích đã linh hoạt chuyển sang đánh vận động trong không gian hẹp. Với tinh thần dũng cảm, từ các hầm nhỏ, du kích bất ngờ xông lên tập kích địch, đã hạ thêm được 7 tên lính Âu – Phi và 3 ngụy binh phải bỏ mạng, máu địch loang khắp ngô xóm.
Phát huy tinh thần và thắng lợi trong các trận chiến đấu ở Tê Quả, dân quân du kích Song Khê cũng lập nhiều chiến công vang dội trong các trận đánh ngày 02/6/1949. Với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, từ tối hôm trước du kích đã tổ chức chôn mìn tại các nơi hiểm yếu. Phối hợp với một tiểu đội của bộ đội Liên Nam đợt xung phong đầu tiên của địch đã bị đánh bật, với 4 tên bị diệt và hàng chục tên khác bị thương. Không đạt được mục tiêu trong đợt xung phong đầu tiên, bọn địch xả súng bắn bừa bãi vào chiến lũy. Đến gần trưa, chúng mở đợt tấn công vào phía Đông Nam của làng, ở đó chúng vấp phải mìn đã chôn sẵn, 8 tên chết, hàng chục tên khác bị thương và phải rút chạy trong cơn hoảng loạn. Mặc dù gặp những thất bại nặng nề trong các lần tiến công trước, nhưng thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm tiêu diệt lực lượng kháng chiến, khống chế địa bàn. Chúng huy động một đại đội lính Âu – Phi và địa phương quân từ các bốt Thạch Bích, Khúc Thủy phục vụ cho cuộc hành quân càn quét vào Bùi Xá ngày 20/6/1949. Trước khi bộ binh tiến vào, địch cho pháo binh bắn xối xả vào các làng dọc 2 bên đường. Cả làng Bùi Xá đều lao vào trận chiến, một số nhà được chôn mìn từ trước để chờ giặc tới. Từng mái nhà, bờ ao, ngõ xóm... trở thành nơi giành giật hết sức quyết liệt giữa ta và địch. Bùi Xã trở thành chiến trường ác liệt. Chính trong thời khắc cam go đó, sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân được phát huy cao độ, không phân biệt già, trẻ, gái, trai... đều trở thành chiến sỹ. Cụ Vương Thị Điều, mẹ của 2 đảng viên là du kích, đã tiếp tế cho các con mình từng quả lựu đạn, nắm cơm, ngụm nước... để đánh giặc. Nhiều giờ không tìm được du kích và bộ đội, giặc điên cuồng phóng lửa đốt cháy nhà cửa, cướp bóc tài sản rồi buộc phải rút quân với 16 xác chết cùng hàng chục tên bị thương.
Nhân dân Tam Hưng bảo vệ cán bộ (đưa cán bộ xuống hầm bí mật) trong những ngày giặc Pháp càn quét
Đón nhận đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1995
Giữa năm 1949, quân và dân Tam Hưng tiếp tục đương đầu với cuộc càn quét lớn của địch. Kết quả, đã đánh lui 5 lần tấn công của địch, diệt hàng chục tên và làm bị thương nhiều tên khác. Trong trận này, địch bắt được bí thư chi bộ Bùi Tiến Thiệm. Mặc dù bị tra tấn, toàn thân bị dập nát nhưng đồng chí vẫn giữ tấm lòng kiên trung. Không lay chuyển được ý chí người đảng viên cộng sản, bọn giặc đã hèn hạ giết hại đồng chí Thiệm. Tấm gương hy sinh sáng ngời của người con Tam Hưng anh dũng đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đáng chú ý là trận chống càn ngày 01/6/1950, Pháp mở một trận càn quét lớn hòng triệt hạ làng kháng chiến Tam Hưng, mục tiêu chính là thôn Hưng Giáo - nơi có phong trào du kích phát triển mạnh. Chúng huy động hơn 2000 quân cơ động có cơ giới và phi pháo yểm trợ từ Khúc Thủy đánh xuống và từ Thạch Bích đánh vào, tổ chức tấn công từ 4 hướng đồng loạt tấn công vào các làng trong xã. Lực lượng du kích chiến đấu ngoan cường, quyết liệt cầm cự suốt từ sáng tới tối, chiến đấu đến quả lựu đạn và viên đạn cuối cùng phải rút xuống hầm, địch mới vào được làng. Đặc biệt ở địa bàn Hưng Giáo, nơi có tiểu đội nữ du kích, hai bên chiến đấu dữ dội, biết biết lực lượng của ta mỏng, du kích đã rút xuống hầm bí mật, địch lùng sục khắp nơi và phát hiện được 1 cửa hầm, chúng bắt được 8 nữ du kích và tra tấn hòng tìm các hầm chiến đấu khác. Nhưng ý đồ đen tối đó đã thất bại trước khí phách ngoan cường của các nữ du kích Hưng Giáo. Chúng đã dùng lưỡi lê đâm nữ du kích Nguyễn Thị Ân, 7 người khác bị giam vào nhà Tiền - Hà Nội. Mặc dù phải chịu cực hình tra tấn dã man của bọn cai ngục nhưng tất cả đều thể hiện ý chí sắt đá, tinh thần kiên quyết bảo vệ bí mật đến cùng. Quân địch đóng quân lại và càn quét, đánh phá liên tục 2 ngày 7- 8/01/1950, đốt phá 250 nóc nhà, cướp nhiều trâu bò, thóc lúa, cuốc phá hơn 1000 hầm hào và 10 hầm bí mật, đến ngày 9/1 địch rút khỏi Tam Hưng. Trong trận này, quân dân Tam Hưng đã tiêu diệt và làm bị thương 40 tên giặc, bảo vệ được làng kháng chiến. Tuy nhiên, do lực lượng không cân sức, ta có 4 đồng chí cán bộ, đảng viên và 12 du kích dũng cảm hy sinh. Sau trận cần dữ dội đó, nhiều lần địch trở lại càn quét xóm làng Tam Hưng nhưng đều không đạt được mục đích.
Lễ nhận cờ thưởng của Mặt trận Liên Việt tặng “Tam Hưng Anh Dũng” năm 1948
Qua 5 năm đầu tham gia kháng chiến, quân và dân Tam Hưng đã đánh 172 trận, tiêu diệt hơn 400 tên, làm hàng trăm tên khác bị thương, giữ vững được địa bàn và tạo điều kiện củng cố các khu du kích khác trên toàn tỉnh. Làng kháng chiến Tam Hưng cũng được xây dựng, củng cố khá hoàn thiện đảm bảo an toàn địa bàn cho bộ đội và Huyện ủy Liên Nam, Tỉnh ủy Hà Đông có thời gian đóng tại đây. Ngày 20/12/1949, tại Mỹ Đức, Mặt trận Liên Việt đã trao tặng Tam Hưng 4 chữ vàng "Tam Hưng anh dũng". Đây là vinh dự lớn mà Đảng và Chính phủ đã ghi nhận về những đóng góp của quân dân Tam Hưng. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã tạo nên một Tam Hưng kiên cường cách mạng. Quê hương Tam Hưng anh dũng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" (tháng 12/1995).